<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Đóa Sen Nở Giữa Mặt Hồ Nhân Gian
Tác giả: Huỳnh Kim Quang

ĐÓA SEN NỞ GIỮA MẶT HỒ NHÂN GIAN

Tâm Huy HUỲNH KIM QUANG

      Chư vị Tăng Sĩ Phật Giáo, những vị mà truyền thống Phật Giáo tôn xưng là Trưởng Tử Như Lai, là Sứ Giả Như Lai, đi đến đâu đều không quên chí nguyện hoằng dương Phật Pháp để làm lợi lạc cho tha nhân, dù trong hoàn cảnh nào, quốc độ nào.

              Vào giữa thế kỷ 20, khi chế độ cộng sản tại Trung Hoa lục địa đem quân xâm chiếm Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 và chính phủ Tây Tạng đã phải từ bỏ quê hương, chấp nhận cuộc sống lưu vong để tiếp tục vận động cho đất nước Tây Tạng tự trị của Ngài. Tuy nhiên, nhờ làn sóng lưu vong của những vị Tăng Sĩ Tây Tạng mà ngày nay sắc thái Phật Giáo Tây Tạng đã được phổ biến sâu rộng ở khắp các quốc gia Âu Mỹ.

              Việt Nam, sau năm 1975, khi chế độ cộng sản thống trị cả nước, làn sóng người Việt rời bỏ quê hương ra đi, vì không thể sống trên đất nước như nhà tù, ngày càng dâng cao. Trong làn sóng người Việt lưu vong ấy có hình bóng các vị Tăng Sĩ Phật Giáo Việt Nam, là những nạn nhân bi thảm nhất của chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền cộng sản. Nhưng, nhờ làn sóng lưu vong của những vị Tăng Sĩ Việt Nam mà ngày nay hình ảnh của Phật Giáo Việt Nam đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Một trong những hình ảnh biểu tượng của Phật Giáo Việt Nam ấy chính là ngôi Chùa Từ Đàm Hải Ngoại do Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa kiến tạo tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

              Sự có mặt của một ngôi chùa hàm tàng nhiều ý nghiã thâm thúy. Chúng ta thường nghe nói ngôi chùa là ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng), vì nơi đó có sự hiện hữu của Phật, Pháp và Tăng. Trong chùa nào cũng thờ hình, tượng hoặc biểu tượng của Phật, đó là thế gian trụ trì Phật bảo. Trong chùa nào cũng có kinh sách, có các thời khóa giảng giải Phật pháp, đó là thế gian trụ trì Pháp bảo. Trong chùa nào mà không có vị Tăng hay Ni trú trì, đó là thế gian trụ trì Tăng bảo. Chùa còn là nơi thất chúng đệ tử Phật đến để tu tập, để làm hiển lộ Phật tánh giác ngộ, Pháp tánh giải thoát và Tăng tánh thanh tịnh nơi tự tâm mình, đó là tự tánh thường trụ Tam bảo. Chùa cũng là trung tâm bảo tồn và phát huy hữu hiệu nhất nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại hải ngoại, từ mấy thập niên qua, chùa là các trung tâm giáo dục tiếng Việt cho con em của người Việt tỵ nạn, tức là nơi giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ, giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức, luân lý, tín ngưỡng của dân tộc. Chùa đồng thời cũng là ngôi nhà Từ đường của dòng giống Lạc Hồng ở hải ngoại, để mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi dịp lễ lớn của tổ tiên, mỗi kỳ đại lễ của Phật Giáo truyền thống, tất cả mọi người Việt ly hương có nơi quay về, có nơi tụ hội, có nơi thờ cúng lễ lạy, tưởng niệm, tri ân tiền nhân. Cũng xin đừng quên chùa là mái ấm gia đình của người Việt lưu lạc tha hương, để những người con xa xứ có nơi đoàn tụ, hàn huyên tâm sự, để những vị lão niên có dịp nhìn và cảm nghiệm cảnh sum họp gia đình mà vơi đi phần nào nỗi cô đơn của tuổi bóng xế chiều tà nơi đất khách quê người.

              Vào những năm đầu thập niên 1980, khi người Việt định cư ở Hoa Kỳ chưa đông, nhất là tại tiểu bang Texas, số người Việt định cư lại càng ít ỏi, mức sống và cơ nghiệp của cộng đồng người Việt còn đang trong thời kỳ gầy dựng sơ khai, việc xây dựng một ngôi chùa là điều không dễ dàng chút nào cả. Vậy mà Hòa Thượng Thích Tìn Nghĩa vì lý tường kiến lập đạo tràng để hoằng pháp lợi sinh đã dõng mãnh phát nguyện đến đây để tạo dựng cơ sở. Từ lúc mua ngôi nhà nhỏ khiêm tốn để làm tạm nơi sinh hoạt cho quần chúng Phật tử, cho đến khi hoàn thành ngôi Tam Bảo Từ Đàm Hải Ngoại như hiện nay là cả một quá trình hy sinh gian khổ. Đối với bao nhiêu tâm lực, trí lực, nguyện lực, sức lực và tài lực của Hòa Thượng Trú Trì và chư Phật tử tại địa phương đã đổ xuống để ngôi Tam Bảo Từ Đàm Hải Ngoại được dựng lên, người con Phật bốn phương có lẽ chỉ biết cúi đầu tùy hỷ công đức và thành tâm chúc tụng một đóa sen đã nở trọn vẹn trên mặt hồ nhân gian.

                            “Trong đầm gì đẹp bằng sen,

                            Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng,

                            Nhị vàng bông trắng lá xanh,

                            Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

              Ở giữa nhân gian tràn ngập bất an và khổ não vì tham lam, sân hận và si mê của chúng sinh, sự hiện hữu của ngôi chùa là sự có mặt của đóa sen tỏa ngát hương thơm giữa đầm lầy. Từ hình ảnh đến hương vị thanh khiết của đóa sen làm cho đầm lầy không còn là nơi ô nhiễm phàm tục đáng ghét bỏ, mà là nơi chốn đáng được chiêm quan, thưởng ngoạn. Cũng vậy, trong thế giới khổ đau thường trực của con người, chùa là linh dược địa mà phàm nhân có thể đến để chữa lành mọi bệnh trạng của thân tâm, có thể đến để thể nghiệm sự mầu nhiệm của giáo pháp Phật đà làm chuyển hóa tận gốc rễ phiền não vô minh.

              Từ Đàm là tên của một ngôi chùa còn lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử sáng chói của Phật Giáo Việt Nam đương đại. Nơi ấy những biến cố mang tính lịch sử đã từng diễn ra : Đại Hội thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam vào năm 1951, đánh dấu một giai đoạn khởi đầu đi vào cơ chế tổ chức thống nhất của Phật Giáo Việt Nam trước nhu cầu cấp thiết của thời đại trong việc chấn hưng nền Phật Giáo nước nhà để thực hiện công cuộc hoằng dương Chánh Pháp, phát huy toàn diện sức mạnh nội tại của nền Phật Giáo quốc dân và góp phần vào việc kiến tạo nền độc lập, tự chủ, tự do và phú cường cho đất nước. Từ Đàm cũng là nơi khởi xướng công cuộc vận động lớn nhất của Phật Giáo Việt Nam vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước để đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo dưới chế độ của nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam đang hung hãn lao vào con đường kỳ thị và đàn áp quy mô nền Phật Giáo truyền thống của dân tộc Việt. Khi đặt tên ngôi chùa mà mình tạo dựng tại hải ngoại là Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại, hẳn rằng Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa cũng muốn nêu cao tinh thần và công đức xứng đáng của ngôi chùa Từ Đàm lịch sử trong nước để nhắc nhở Phật tử hải ngoại không quên sứ mệnh lịch sử đối với thời đại mình cho nền Phật Giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước.

              Nhưng, đề cập đến quá trình phát triển sâu rộng của Phật Giáo Việt Nam trong thời hiện đại chúng ta không thể không nói đến Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mật Hiển, Trú Trì Tổ Đình Trúc Lâm tại Huế, vị Bổn Sư khả kính có ân đức sâu dày đã giáo dưỡng Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa từ lúc còn là một chú điệu cho đến khi thành đạt sự nghiệp tiếp Tăng, độ chúng như ngày hôm nay. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mật Hiển là đệ tử của Tổ Giác Tiên, vị khai sơn Tổ Đình Trúc Lâm Đại Thánh tại Huế. Tổ Giác Tiên cũng là vị khai sáng và chứng minh của Hội An Nam Phật Học tại Thừa Thiên vào đầu thập niên 1930. Khởi đi từ đó chương trình đào tạo Tăng tài đã được thực hiện có kế hoạch từ bậc Sơ đẳng, Trung đẳng lên đến Đại học Phật Giáo, mà trong đó Trúc Lâm là một trong những cơ sở học đường. Thành phần Giáo thọ chính yếu gồm có Quốc sư Phước Huệ, Chùa Thập Tháp, Bình Định, Pháp sư Trí Độ và Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Hoàn tất lớp Đại Học Phật Giáo đầu tiên là chư vị Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Mật Khế, Thích Mật Hiển, Thích Mật Nguyện, Thích Mật Thể, v.v… Lớp Đại Học Phật Giáo sau đó là chư vị Hòa Thượng Thích Trí Quang, Thích Thiện Siêu, Thích Thiện Minh, Thích Trí Nghiêm, Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Trí Hữu, v.v… Đó là những bậc cao Tăng thời hiện đại của Phật Giáo Việt Nam đã đóng góp xứng đáng công đức trong công cuộc chấn hưng và phát triển nền Phật Giáo nước nhà trong suốt trên nửa thế kỷ qua. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mật Hiển là sư đệ của Hòa Thượng Thích Mật Khế và là sư huynh của nhị vị Hòa Thượng Thích Mật Thể và Thích Mật Nguyện. Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Mật Hiển là đống lương trong hàng Tăng bảo và là Tòng lâm thạch trụ trong Phật Giáo Việt Nam nói chung và Phật Giáo Huế nói riêng. Người viết chưa có được phước duyên hầu cận bên Ôn Trúc Lâm (tôn xưng đối với chư vị tôn túc tại Huế), nhưng đã có được thiện duyên nhìn thấy Ngài trong những năm đầu thập niên 80, lúc người viết ở tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam. Những năm ấy, khi Ôn Già Lam còn tại thế, Ôn Trúc Lâm thỉnh thoảng, hoặc nhân dịp Phật sự tại Sài Gòn, có vào Tu Viện Quảng Hương Già Lam thăm chơi đôi ba tuần. Hình ảnh của Ôn Trúc Lâm còn lại trong đáy sâu tâm thức của người viết là phong cách oai vệ, nghiêm cẩn của một bậc tôn sư trong hàng ngủ Chúng Trung Tôn, cặp mắt mở lớn và sáng quắc với nhãn thần cực mạnh như tia sáng rực ngời từ trí tuệ mẫn duệ phát ra. Lần cuối cùng người viết còn cơ duyên gặp Ôn Trúc Lâm là vào khoảng gần giữa năm 1984 trong lễ tang của Ôn Thanh Trí tại Tổ Đình Báo Quốc, Huế.

              Dù chưa hữu duyên để được đến Từ Đàm Hải Ngoại, người viết vẫn thường được nhiều vị Tăng, Ni và cư sĩ nhắc đến ngôi Già Lam Phạm Vũ này với những lời tán dương hoan hỷ. Ngược lại, người viết đã có được cơ duyên quý báu để biết đến Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa từ những năm đầu thập niên 90 khi ngài sang California làm Phật sự. Với đức tính hài hòa, từ tốn, vui vẻ, lân mẫn và đầy đạo tình, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa thường gây nhiều thiện cảm và dễ thân cận đối với những người gặp mặt, dù là lần đầu. Đó là cảm nhận mà người viết có được đối với Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa trong lần gặp mặt đầu tiên tại Phật Học Viện Quốc Tế. Sau đó, mỗi lần gặp mặt, Hòa Thượng đều ân cần thăm hỏi từ sức khỏe đến công việc làm ăn sinh sống. Trong xã hội mà con người phải chạy đua theo thời gian, công việc và những phương tiện của đời sống, hầu hết người ta đều chỉ biết chào hỏi nhau bằng những lời xã giao đã trở thành công thức máy móc, rất hiếm khi chúng ta cảm nhận được một tâm hồn lắng đọng dừng lại, bình an và thong thả để thật sự quan tâm đến người mình gặp, qua cung cách thăm hỏi hàm súc một tấm lòng lân mẫn, thiết tha và chân thật. Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa là một trong số những người hiếm hoi ấy mà người viết đã từng gặp. Trên bình diện quan kiến đối với hiện thực cũng như tương lai của Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng là vị Tăng sĩ thấy được một cách thực tế vai trò của người cư sĩ và đặc biệt của tuổi trẻ trong việc xây dựng và phát triển vững mạnh nền Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Chính vì vậy, trong vai trò là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ của GHPGVNTNHNHK, Hòa Thượng đã đứng ra tổ chức Đại Hội Cư Sĩ tại Chùa Từ Đàm Hải Ngoại vào tháng 4 năm 2003 để hội thảo những vấn đề trọng đại mà tổ chức Giáo Hội có thể làm được để nâng cao phẩm chất tu học cho người cư sĩ, cũng như người cư sĩ có thể đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển nền Phật Giáo Việt Nam. Hòa Thượng cũng là vị Tăng sĩ đặc biệt quan tâm đến giới trẻ từ bấy lâu nay, nhất là giới trẻ trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hải ngoại. Đây là điều rất quan trọng, vì nếu không quan tâm đúng mức, không có giải pháp thiết thực để nuôi dưỡng và đào tạo con em trong việc tiếp nối truyền thống Phật Giáo của thế hệ cha anh thì tương lai của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại sẽ không mấy được sáng sủa.

              Với kiến quan và hạnh nguyện ấy của Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, Từ Đàm Hải Ngoại nhất định đang là và sẽ là nơi góp phần hữu hiệu trong sứ mệnh bảo tồn và phát huy những giá trị đặc thù của nền văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Mục Lục Kỷ Yếu Tổng Vụ Cư Sĩ
Lời Mở Đầu
Tản Mạn Ngoài Lề
Linh-mục Trần Hữu Thanh và Tổng-giám mục Nguyễn Văn Thuận Nói Gì Về Vụ Này
Có Ai Tận Mắt Trông Thấy Đức Mẹ Hiện Ra Tại La Vang?
Đức Mẹ Hiện Ra Tại La Vang Như Thế Nào
Những Sự Việc Sau Đây Xảy Ra Vào Thời Điểm Nào
Mức Độ Khả Tín của Linh Mục Hồng Phúc
Nguồn Gốc Hai Tiếng La Vang
Sự Chuyển Mình Trong Phật Giáo Việt Nam
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3149087
Có -642 Khách Đang Online